Thứ Ba, 23 tháng 12, 2014

Dạy gì cho trẻ?

     Về hưu hơn năm, nhưng người thân, bạn bè vẫn gửi dăm đứa trẻ đến nhờ mình kèm cặp,bọn trẻ đeo ba lô đến nhà, lôi sách vở ra, tự học là chính, điều gì không biết mới hỏi, từ Giáo dục công dân, Địa lý, Lịch sử đến Ngữ văn, có đứa còn hỏi cả về Âm nhạc, Mĩ thuật ( may có chúng hỏi nên mình đọc sách giáo khoa hai môn này , hiểu thêm khối điều hay).Bọn trẻ lớp 6,7 mới hay hỏi, còn lớp 8,9 thì rất ít khi, chủ yếu là mình ra bài, chúng làm,cô trò cùng nhau chữa bài.Và mục đích chính của các bậc phụ huynh là nhờ mình giúp cho bọn trẻ bớt sợ việc học...nên việc dạy kèm của mình vừa khó vừa dễ.
    Sau mấy ngày hồi hộp lo lắng theo dõi việc cứu hộ ở công trình thủy điện Đạ Dâng,mừng vui sướng rơi nước mắt khi việc cứu hộ thành công.Ngay lúc đó, mình cho bọn trẻ một đề bài:
    Sau 4 ngày bị mắc kẹt do bị sập hầm ở công trình thủy điện Đạ Dâng-Đạ Chomo (Lâm Đồng),toàn bộ 12 công nhân đã được các lực lượng cứu hộ giải cứu thành công vào hồi 16h38' ngày 19-12-2014.
    Sự việc trên đã để lại cho em những cảm xúc,suy nghĩ gì?Hãy trình bày điều đó trong một bài luận không quá 500 chữ.
  Điều rất thú vị khi bọn trẻ đọc đề bài là phản ứng của chúng.Hai đứa lớp 6 reo lên:"Vừa xong hả cô?". Đứa lớp 7 phấn khích:"Tối nào em cũng cùng bố mẹ theo dõi việc này trên ti vi".Một đứa( cũng lớp 7)thì nói:"Em chả có cảm xúc gì".Còn hai đứa lớp 8, 9 lập tức mở điện thoại, xem tin tức.Yêu cầu với bọn trẻ lớp 6, 7 chủ yếu là bày tỏ cảm xúc, hai đứa lớn mới phải viết bài luận hoàn chỉnh.Với thằng cu "không cảm xúc"phải gợi ý cho cậu ấy:giả sử trong số 12 công nhân ấy có người thân của em...;hoặc em là người tham gia cứu hộ...Phải miêu tả, kể chuyện...để gợi lên tình cảm của nó.
   Trao đổi,thảo luận giữa cô trò rất sôi nổi, để rồi bọn trẻ cũng cảm nhận được bài học về ý chí, nghị lực của những người mắc nạn, tinh thần tương thân tương ái, công tác tổ chức cứu hộ-vai trò của Nhà nước,tầm quan trọng của An toàn lao động, cách tồn tại trong hiểm nguy...v.v.
    Bọn trẻ lớn được làm quen với thể loại NGHỊ LUẬN MỘT VẤN ĐỀ THUỘC VỀ ĐỜI SỐNG.Mấy trẻ nhỏ(lớp 6) làm quen với văn BIỂU CẢM, lớp 7 củng cố thêm về thể loại này.
   

Thứ Ba, 9 tháng 12, 2014

Một thoáng Liêu Trai

      Cách đây 50 năm,mình có cái u nhỏ ở cổ,phía bên trái,thẳng mang tai xuống.Sở dĩ nhớ được về thời gian như thế vì nó gắn liền với kỉ niệm được bác mình -nhà giáo Nguyễn Phẩm Bình (1910-1967),dẫn lên bệnh viện huyện - khi ấy sơ tán về làng Văn Hòa xã Hữu Bằng, để khám.Hai bác cháu đi từ sáng sớm, qua cánh đồng lúa đang thì con gái,mình tung tăng hái những bông hoa dại ven bờ lúa, thỉnh thoảng bác lại đứng chờ.Đó là một buổi sáng đầu thu năm 1965 .(ngày đó mình và anh Nguyễn Thông ra ở nhà bác để phòng tránh việc máy bay Mĩ đánh phá trận địa tên lửa gần nhà mình)
    Bác sĩ khám cho mình, cái u nhỏ bằng đầu ngón tay út ,nắn vào không thấy đau,cảm giác có thể bóc ra được.Bác sĩ bảo:không sao, bao giờ đau lên khám lại.Thế là hai bác cháu ra về.
    Thỉnh thoảng, mình lại sờ vào cái u ,xem nó có lớn thêm không.Mấy chục năm như thế.
    Nửa tháng trước, mình mơ thấy cái u nổi to bằng cái chén hạt mít, tím bầm và"soạt" một cái, nó xé rách đám da ở cổ,bay vèo xuống đất,không chảy máu,dù da cổ bị rách tướp.Tỉnh dậy, theo thói quen, sờ tay lên cổ , thấy đau, nhưng cái u đã biến mất.
   Tật ách mà ông Trời thử thách mình 50 năm nay đã rời xa, chỉ còn lại là kỉ niệm với người bác kính yêu.Hay vì mình mê đọc Liêu Trai nên được trải qua cảm giác Liêu Trai ?(Trong bốn bộ Liêu Trai cũ mới  hiện có, bộ nào cũng gắn liền với một nỗi nhớ).