Thứ Bảy, 26 tháng 12, 2009

Một chuyến đi

Nhờ sự sắp xếp của sếp,cơ quan có được chuyến đi công tác kết hợp tham quan.Tuy phần tham quan là tự lo kinh phí,nhưng với những người như mình,nếu không dựa vào sự tổ chức của cơ quan thì chắc khó mà tự đi được (ai bảo không chịu phấn đấu,chỉ là nhân viên quèn,ai cũng có thể bắt nạt được,làm hùng hục nhưng chỉ cần một đứa vớ vỉn tâu sếp:tình cảm chị ấy không sâu sắc...cũng khiến sếp nhìn mình nghi ngại,dù sếp là người tốt.chuyện này bàn sau,vì hơi bị buồn cười)
Tóm tắt lịch trình:
13/12/2009 bay từ HP vào tpHCM.
14/12 đi Bình Dương
!5/12đến 18/12 đi Campuchia(thú vị nhất)
19/12 điTiền Giang-Bến Tre (thú vị nhì)
20-21/12 đi Bà Rịa-Vũng Tàu(xúc động khi viếng thăm đền thờ nữ anh hùng Võ Thị Sáu)
tối 21 về đến nhà
Bao điều học hỏi được qua chuyến đi.Vui đến 90%-còn những điều khác lại dễ thông cảm.
Đi chợ chuẩn bị cho đám cưới Kiên đã.

Chủ Nhật, 8 tháng 11, 2009

Cha tôi

Người sinh năm 1910-Canh Tuất.Một người trung hậu,giàu tình thương,yêu lẽ công bằng.Một người luôn để lại dấu ấn sâu sắc cho những ai từng gặp mặt.Một tâm hồn phong phú,am hiểu sâu sắc lịch sử,địa lý,văn chương-dù chỉ bằng con đường tự học là chính.Người đã gieo vào lòng các con mình sự đam mê với sách báo,ham học hỏi,và hơn cả là luôn biết yêu thương mọi người trong tinh thần nhường nhịn,khoan dung.
Suốt thời trai trẻ,người luôn có ý định đi tu theo Phật giáo.Đến năm người 36 tuổi mới lấy vợ .Trước khi có gia đình riêng ,cha tôi thường gánh hàng cho bà nội tôi bán ở các chợ.Nhà nội tôi không có ruộng đất nên gánh hàng xén,vàng mã và môn thuốc ghẻ,cao dán mụn đã nuôi cả một gia đình đông đúc.Cha tôi không biết cày ,bừa tuy rất thích trồng trọt ,đặc biệt là chăn nuôi gia cầm.Bất cứ loại cây, con nào lạ,nếu gặp ,cha tôi cũng tìm nuôi bằng được-như một thú vui.Ngoài ngan ,ngỗng ,gà ri,vịt,lợn nhà tôi còn nuôi gà Ngũ trảo ,gà Mĩ.Tôi đã từng chăn gà Tây-khi tôi chỉ cao hơn ba con gà một tẹo.Nhưng vật nuôi trong nhà được cha tôi yêu quí nhất lại là lũ mèo.Sự chăm chút của người dành cho bọn mèo khiến tụi trẻ con phải ghen tị.Anh em Hiệu ,Hiến lúc ba bốn tuổi thường được gửi lên nhà tôi để bố đi dạy học,mẹ đi làm đồng.Có lần,Hiệu về khoe với bố mẹ :có con cá chép,ông lại nướng cho mèo-(con rô ron bé tí bồi dưỡng cho con mèo mới đẻ).Hình ảnh ông lão râu tóc bạc phơ,ung dung bên ấm trà buổi sớm,ba con mèo:Hoàng hậu ,công chúa ,hoàng tử-lông óng mượt,con đậu đầu gối,con trong lòng,con nằm cạnh,trông thật đẹp.Lại nhớ có lần ,không biết vì sao,"tồng chí"Kha lại đá mèo.Ông cụ lẩm bẩm:anh ấy lại đá mèo của tôi.(may mà cụ không đòi lại con gái!)
Năm 1991,cha tôi qua đời sau một cơn tai biến mạch máu não.Người nằm thiêm thiếp trong 10 ngày-đợi gặp đủ con cháu,nhận biết được tất cả ,rồi lặng lẽ ra đi.Không hiểu sao ,trong vòng 10 ngày ấy,lũ vịt lăn ra chết trước,bọn gà tiếp theo,rồi lần lượt con chó nhỏ bỏ đi,ba con mèo cũng rời nhà.Phải đến mấy năm sau ,nhà tôi mới lại nuôi được mèo.

Thứ Tư, 28 tháng 10, 2009

Một chút nhỏ nhen

Chuyến xe Hải âu cuối ngày-lại là ngày lễ 2-9 nên đông chật người.Chọn chỗ ngồi cuối xe,khỏi vướng tầm nhìn,đỡ say xe,tin là ngủ được một lúc,chặng Hà Nội -Hải Phòng sẽ kết thúc.
Hai hàng ghế trước mặt có ba cô gái và một chàng trai người Hoa-hình dáng,tiếng nói của họ đã nói nên điều đó.Họ nói chuyện rộn ràng,ăn uống một cách vô tư.Đang choáng váng vì say xe,nghe họ nói nhức đầu vô cùng.Mình đập khẽ vào vai cô gái trước mặt,ra hiệu nói ít đi.Ba người hạ giọng,còn một cô vẫn ào ào như súng liên thanh.Cô nói với bạn đồng hành chán,lại mở điện thoại ra "buôn" tiếp,vừa nhai vừa nói...Chán chả buồn nhắc,nhưng lòng dấy lên một nỗi bực mình.Gần hai tiếng đồng hồ bị tra tấn bởi thứ âm thanh ríu rít,rộn ràng...sự bực mình đã biến thành căm hờn,thành "tinh thần yêu nước".Quân xâm lược,đồ dã man,định "bá chủ,bá quyền"ngay cả trên xe buýt nhà tao à?
Họ xuống bến cuối,mình xuống trước họ một bến.Làn gió thu khi đêm về khiến đầu óc mình tỉnh táo.Lòng căm thù bỗng chốc tiêu tan.Tôi đã nghĩ gì thế?Tôi căm ghét họ vì lẽ gì vậy?Vì họ trẻ trung vô tư ư?Vì sự ám ảnh của Trường Sa ,Hoàng Sa,Tây Nguyên..hay chỉ vì đang say xe...Sao không thương cô gái xa nhà ,xa quê mưu sinh xứ người,tìm vui trong những cuộc chuyện trò?sao không yêu vẻ trẻ trung sôi nổi của cô như tình cảm dành cho con cháu mình...?và nhắc nhở cô chân tình như nói với người thân...?
Thấy mình nhỏ nhen .Chợt nghĩ khi Khuê Khanh Minh Anh Hằng Hà Thư...đi đến nơi nào trên trái đất lại gặp phải thái độ kì thị như mình hôm đó với cô gái người Hoa.
May mà ngoài cái đập vai khe khẽ,tất cả chỉ là trong ý nghĩ.Nhưng cũng thấy xấu hổ.

Thứ Bảy, 17 tháng 10, 2009

cô gái với cát

Câu chuyện kể qua những bức tranh cát của cô gái Ucraina thật xúc động.Tài năng,sự tinh tế,tình yêu cuộc sống,yêu con người...được thể hiện sâu sắc .Giữa lúc lật trang nào trên báo mạng cũng chỉ thấy những chuyện đáng thất vọng:người tài không được trọng dụng ,mẹ con từ mặt nhau vì căn nhà,bão "tố" chuyện bớt xén trong xây dựng các công trình của nhà nước...hoặc vớ vẩn như diễn viên A hôn vợ chưa cưới,dv B đổi xe,thí sinh thi HH kiện tụng,nhà văn nhà báo loay hoay với việc hậu trường-lời kia tiếng nọ về những câu nói quanh bàn rượu...
May quá,còn có được những thông tin bổ ích như video-clip về cô gái với cát trên You Tube.Tình yêu,hòa bình,chiến tranh,khổ đau,hạnh phúc...bao điều để suy ngẫm.
Cô gái 25 tuổi giỏi quá.tâm hồn cô thật cao quí !

Thứ Năm, 15 tháng 10, 2009

Nghe mưa

Đêm qua nằm nghe mưa rả rích,nghĩ ngợi lan man,sao thấy buồn thế.Nhớ hồi hơn mười tuổi,cạnh nhà có cụ Vệ Giải,khi đó cụ khoảng trên bảy mươi tuổi,sống một mình thui thủi trong gian nhà nhỏ xíu.Trong nhà có chiếc giường đơn,hũ gạo,hũ nước,bó củi,nắm rơm.Cụ đun nấu ngay trong nhà.
Cụ cao gầy,mái tóc bạc trắng,chân tay run rẩy,ít nói.Cụ thường ngồi bó gối,nhìn ra đường,đến trưa thổi niêu cơm nhỏ,ăn hai bữa.Thế chiến thứ nhất,cụ đi lính cho Pháp,lang bạt nơi trời Tây-tên cụ được gắn thêm chữ Vệ là vì thế.Vợ con cụ đều mất sớm,vì đói nghèo,vì bệnh dịch...Dân làng thường kể cụ ác với vợ con lắm.Không biết thực hư thế nào,chỉ thấy thương cụ tuổi già hiu quạnh.Có nhiều nguyên nhân để người ta không được sống tốt theo ý muốn,chỉ người trong cuộc mới thấu hiểu,nên cũng đừng cố tìm hiểu làm gì-sau này mình mới nghĩ được như thế,còn khi đó,mình không tin là cụ là người ác.
Mình thường giúp cụ xách nước,đổ đầy hũ.Mỗi khi Thầy sai mang bát canh sang biếu cụ là mình thích lắm.Hình như cụ cũng rất vui khi mình chạy qua chạy lại.
Một hôm trời mưa rào kèm theo gió lớn.Chạy sang nhà cụ,thấy dột tứ tung,người lớn không có nhà,mình chạy đi rút rơm ,trèo lên cây sắn(ăn quả)vứt lên mái nhà cho cụ .vì còn bé,không biết là phải dọi (cho rơm theo từng lớp,từ dưới lên)thì mới hết dột.Nhưng cứ vứt bừa lên cũng đỡ dột nhiều.Ướt lướt thướt nhưng lòng vui vẻ.Mấy ngày sau ,các cháu cụ lợp lại mái nhà cho cụ.Mấy tháng cuối đời,cụ được các cháu(gọi cụ bằng chú)đón về nuôi-họ cũng nghèo,nhưng chăm sóc cụ chu đáo.
Đọc sách của bác Phùng Quán,cứ ngậm ngùi trước cuộc sống của cụ Nguyễn Hữu Đang khi bị quản chế ở Thái Bình.Dẫu biết những người như cụ Đang,hoàn cảnh không dễ gì bẻ gãy nghị lực sống ,nhưng cứ lẩn thẩn nghĩ:sao phận người mong manh thế.Vì cứ như thấy hình ảnh của cụ ĐANG trong cảnh mưa to ,nhà dột,giống như cụ Vệ Giải ngày nào.
Cứ trời mưa là lại mang mang buồn.

Thứ Ba, 13 tháng 10, 2009

Tấm bia đá

Dạo này lão gia lại có tư tưởng hồi cố,rảnh lúc nào là vác máy ghi âm (loại của Tàu,mác Sony)lang thang khắp làng,hỏi chuyện các cụ già,những chuyện ngày xửa ngày xưa...hăm hở với dự tính khôi phục lại nét văn hóa của làng Trà ,tha thẩn nơi xóm núi,xóm chùa...tìm lại dấu cũ ,cảnh xưa.
Lão gặp tấm bia đá ở đồng Hương,bao năm được dùng lót đường qua chỗ lội.Đó là tấm bia dựng ở phủ Kiến Thụy,năm1945,trong khí thế hừng hực của CMT8,dân quân du kích đã đóng bè chuối kéo lên gần chân núi vứt bỏ.Hơn 60 năm qua,tấm bia "trơ gan cùng tuế nguyệt",dù lỗ chỗ vết đạn nhưng vẫn còn rõ chữ.mặt trước có chạm lưỡng long chầu nguyệt,có dòng chữ Pháp,chữ quốc ngữ,và chữ Hán.Mặt sau (nhiều) chữ Hán,có một vài chữ Pháp.Lão gặp anh Lượng-trưởng làng,đề xuất việc đưa về bảo quản,bởi biết đâu có những thông tin quí giá về quê hương nằm trong đó.Lão xin phép chính quyền xã ,báo cáo cả chủ tịch huyện.Các cấp đều đồng ý,chỉ không phê duyệt vào đơn và nói thẳng là không có kinh phí.Lão nhà mình vui vẻ bỏ tiền,nhờ Thành(Hảo)mượn thợ Tú Đôi chuyển bia về.Để ở Ủy ban xã-không được,gửi vào chùa không xong,nhà văn hóa thôn không cho để-với lý do liên quan đến thực dân phong kiến.Thế là lão đem về gửi nhà bà ngoại Khuê Khanh.
Dân làng đồn lão nhiều tiền lắm.(hì...hì...)
Hôm chủ nhật vừa rồi,giỗ bác Huy,Vũ-con bác Giá-đọc dòng chữ Pháp nói rằng đây là bia ghi công ơn của một người Pháp,nội dung nằm ở phần chữ Hán.
Tấm bia giờ được bảo quản,đang chờ người tìm hiểu về nó.Lão gia yên trí nhé.

Thứ Tư, 7 tháng 10, 2009

Nhan sắc làng Trà

Khi viết về miền đất Tuyên Quang,nhà văn Hoàng Phủ Ngọc Tường -người có biệt tài đặt tựa bài viết-đã dùng ba chữ hết sức ấn tượng:Miền gái đẹp.Vì thế,chỉ dám có một đôi điều về nhan sắc ở làng quê yêu dấu của mình-nơi một thời nổi tiếng với danh xưng:Trà Phương Công chúa
Ngọn núi Trà có hang Bà chúa Thao,hang Bà chúa Phấn.Đứng trên đỉnh núi,nhìn xuống cánh đồng,nơi hai cánh núi ôm vào lòng,thấy hình gương, lược .Gương hình tròn,lược vòng cung,ôm lấy gương...Những tên gọi,hình ảnh gợi lên nhan sắc của miền quê.
Người đẹp nhất làng Trà không ai khác,chính là Hoàng thái hậu Nguyễn Thị Ngọc Toản-vợ vua Mạc Đăng Dung.Hơn bốn trăm năm đã trôi qua,dấu ấn về vẻ đẹp của bà còn lưu lại trên bức tượng bằng đá hiện đang được phụng thờ ở chùa Trà Phương (Thiên Phúc tự)-ngôi chùa bà đã tôn tạo ,đem lại cho nó dấu ấn lịch sử của những tháng năm vừa huy hoàng vừa bi ai,còn bao điều ẩn mật...vẻ đẹp ấy còn lưu lại cho bao thế hệ cháu con,tiếp nối qua bao đời,góp phần tạo dựng niềm kiêu hãnh cho người con gái làng Trà,dù kín đáo đến mấy cũng lấp lánh mắt cưòi khi nghe lời ca tụng:đúng là con gái Trà Phương .
Từ lúc biết ngắm mình trong chậu nước,đã lắng nghe những câu chuyện về nhan sắc.Đẹp như cụ Xoa,cụ Bế,cụ Khoả(các cụ được gọi theo tên con gái đầu.)cụ Rĩnh...những người
nếu còn cũng đã trên trăm tuổi.Đẹp như cô Xoa ,bá Bê,như các chị Diễn,Thê,Hảo ,Nguyên
Tề...như các em các cháu Liễm,Linh,Lanh,Lán,Lễ,Xuyên,Liễu,Điệp,Tuyến...Mỗi người một nét riêng,góp phần làm nên vẻ đẹp làng Trà
Núi bị nổ mìn ,phá đá;ruộng bị chia năm sẻ bảy,giếng núi-nguồn nước ngọt cho người con gái làn da trắng,mái tóc dài-đã bị bỏ hoang;không còn hang bà Chúa,không còn gương, lược....Con gái làng Trà không còn đẹp như xưa.
Chỉ còn lại tâm hồn trong trẻo.

Thứ Tư, 30 tháng 9, 2009

Khi âm thanh cất lên

Chiều nay trường Tiểu học Nguyễn Văn Tố tổ chức giao lưu vui liên hoan Trung Thu với các em của Trường Khiếm thính Hải phòng .Có thi bày cỗ Trung Thu,hát ,múa,đàn.Học trò cả hai trường đều hào hứng tham gia.Nhìn các em khiếm thính mình thương quá,lại thấy mình thật may mắn vì lành lặn.Các em hát thật rộn ràng.Nhưng ấn tượng nhất vẫn là tiếng đàn của các em :có thể nói đầy biểu cảm.Đặc biệt,có một em khi dạo đàn,gương mặt cậu bé rạng rỡ,sáng bừng ,linh hoạt hẳn lên.Em gửi vào tiếng đàn niềm vui sống thiết tha,tình cảm ấy lan tỏa đến người nghe .Có thể nói chưa bao giờ mình nghe đàn lại thấy xúc động đến thế.
Màn múa lân được chào đón nhất.Băn khoăn hỏi chị hiệu trưởng có cần lời thuyết minh cho hình ảnh ko.lo các em ko tưởng tượng nổi.Điều lo lắng ấy là thừa ,vì tiếng trống giòn giã,sôi nổi đã thay cho mọi lời nói.các em cũng vỗ tay reo hò cùng các bạn.còn một vài em gái rụt rè,nhưng nét mặt tươi tỉnh.
Hi vọng các em được chăm lo tốt hơn nữa.Nhớ hôm khai giảng,cô Phó giám đốc Sở gd,về dự với các em đã gửi quà riêng,nhờ nhà bếp mua thêm thức ăn tươi cho các em để mừng ngày đầu năm học mới.Cuộc sống tươi đẹp hơn với các em khi có những tấm lòng yêu thương thực sự ,giản dị mà cao quí.

Thứ Ba, 29 tháng 9, 2009

Xóm núi

Xóm nhỏ nằm dưới chân núi Trà,cạnh con đường liên huyện.Tuổi thơ của mình gắn bó với xóm núi vì gia đình họ ngoại hầu hết sinh sống tại đó.Ngôi nhà của ông ngoại có hai cửa sổ lớn ở hướng nam,mùa hè lộng gió đồng mát rượi.Mình và Hiền-em con cậu-thường nằm trên bậu cửa,hoặc ngồi thò chân ra ngooài,kể cho nhau nghe những chuyện vu vơ.Ngoài lối ngõ có hàng duối,sang thu có quả chín vàng ươm.Bụi nhài luôn xanh tốt,đến đêm nở hoa trắng muốt, hai chị em thường hái để ông ướp trà.Nhà trên hướng Bắc,xây bằng đá núi,sau này lợp ngói.Nhà dưới đắp đất ,cắm văng,hướng Đông.Sau nhà dưới có cái ao nhỏ,nước trong veo.Mợ thả rau rút,rau muống,có cả bèo ong,bèo cái để cho lợn.Bờ ao là nơi thích nhất.Cỏ lúp xúp ven bờ,bụi cói ,bụi năn,cây hoa dành dành cuối xuân hoa bung nở trắng lóa,thơm ngan ngát.Cây sắn ăn quả được quan tâm nhất,vì những quả chín mọng ,đỏ tím vị ngọt hơi chát luôn đem lại niềm vui cho lũ trẻ.Được leo trèo,vươn tay hái quả ở cành xa cũng là một thú vui.Còn có cây ổi,cây bưởi và rặng tre luôn luôn rì rào trong gió.Xung quanh nhà ông ngoại là những người họ hàng.nhà cụ Trại ,bác Lạc ,cụ Vãn cụ Thê,bác Phu...với những lối đi miên man ,nối liền các ngôi nhà,càng làm cho cuộc sống trở nên gắn bó,yêu thương.
Ông ngoại có nước da đỏ hồng,râu tóc bạc phơ,hiền từ,yêu thương con cháu hết mực.Ông cặm cụi suốt ngày chẻ lạt,đan lát.Rổ rá,thúng mủng ,nong nia,do ông đan bao giờ cũng bền đẹp.Đêm đến,mình và Hiền mỗi đứa nằm một bên,nghe ông kể chuyện,ông dang tay cho hai đứa gối đầu.
Chiều chiều ,bọn trẻ xóm núi hay lên chơi ở chân núi.Có hoa ngái,mẫu đơn,có những loài hoa dại ,qủa dại hái để chơi,thi nhau ghè đá muối.những tảng đá phủ đầy rêu,hang lưng chừng núi...luôn gợi cho bọn trẻ ham muốn được một lần sống như Mai An Tiêm ngoài hoang đảo.Cảnh bình yên ấy không được bao lâu,những năm chiến tranh,ngọn núi nhỏ trở thành trận địa phòng không.Bom bi của giặc còn gây thương tích,thương vong cho người dân làng Trà mãi những năm sau chiến tranh.
Năm 1969,ông ngoại mất.Mợ bị ốm,nằm bệnh viện sơ tán ở Thạch Lựu,Luyện đi nuôi mợ.Mình và Hiền trông nhà.Hai đứa mang rào gai rấp cửa,chèn chống thật kĩ.Đêm xuống,đem cái hỏa lò để lên phản,bắc ấm,đun nước,bày chén,đóng giả làm ông ngoại và ông Thê ,trò chuyện như khi ông ngoại còn sống.Hiền bảo:Ông ạ,con cái S.nhà ông B.mất nết quá,nó theo giai rồi.mình bảo :hư quá...Đúng lúc ấy ,bác Trại từ ngoài cửa sổ ngó vào:hai con này làm gì thế?Mình ngó ra ,bảo:Nhà Trại đấy hử ?Vào uống nước!Bác chạy mất.Sáng sau ,bác hỏi:Hôm qua hai đứa làm gì mà thức khuya thế?Mình chối:không,chúng cháu đi ngủ,không làm gì cả.bác tần ngần mãi.
Xóm núi giờ có nhiều thay đổi .Nhưng những ngày thương yêu cũ chẳng bao giờ có thể quên.

Thứ Sáu, 25 tháng 9, 2009

Đi coi dưa

Thày và bác Ỷ là hai người trồng dưa sớm nhất làng .Dưa nghệ vỏ xanh, ruột vàng,hạt nâu đỏ,ngọt mát vô cùng .Quả to đến năm sáu cân là thường.Dưa hấu vỏ xanh ruột đỏ ,hạt đen.Dưa cam là một loại khác :khi chín vỏ mỏng như tờ giấy ,tất cả hạt nằm trong ruột dưa có lẫn nước vàng ươm ,lớp thịt bở tơi,ngọt nhẹ -thường bỏ vỏ,gạt hạt đi ,trộn với chút đường lấy thìa xúc ăn ,có vị ngon riêng,người già rất thích.Thầy còn trồng dưa Tây,loại dưa bây giờ trở nên phổ biến,nhưng ngày xưa cả vùng chỉ có nhà mình trồng -cây lá giống dưa cam-họ bầu bí-vỏ dầy hơn ,thịt nhạt hơn,nhưng vị thơm đặc biệt.Sở dĩ có giống dưa này vì thời kì 300 ngày (1954-1955)Hải Phònglà nơi binh lính Pháp tập trung để về nước ,thầy biết tiếng Pháp ,bán hàng tạp hóa,họ thường trò chuyện.Có một người lính Pháp thấy Thầy đam mê các giống cây trồng vật nuôi mới lạ ,sau khi trở về quê hương,đã gửi sang cho Thầy một gói hạt giống gồm các loại:bắp cải,su hào,cần tây,đậu côve,rau diếp cuộn,súplơ và giống dưa -Thầy gọi là dưa Tây.
Sau vụ lúa mùa,đất được cày ải,phơi nỏ,đập tơi chuẩn bị cho vụ trồng dưa.trước vụ dưa trồng xen canh vụ rau ngắn ngày .dưa trồng vào mùa xuân,thu hoạch lúc hè sang.Làm đất vất vả nhưng vui.bọn trẻ con thường phải đập đất cho tơi nhỏ để người lớn lên luống ,luống dưa dài suốt cả ruộng,ngang khoảng1,5-2m.Thường vào cuối tháng giêng Thầy ủ hạt dưa ,khi nứt nanh mới tra vào hố. Quá trình cây dưa phát triển giống như truyện cổ tích "Sự tích dưa hấu "đã mô tả (có lẽ vì thế mà hồi bé ,mình rất thích truyện này).Dây dưa bò lan khắp mặt luống,Thầy thường dùng nan tre uốn cong hai đầu ghim chặt xuống để gió khỏi lật dây,làm đứt rễ.
Khi dưa sắp được thu hoạch,thường phải coi,vì nhiều nhà không trồng ,bọn trẻ con những nhà đó coi việc vặt trộm vài quả ở ngoài đồng cũng là "bình thường" Chúng gọi đó là đi "đá dưa ".Thế là,ngoài việc ruộng dưa được rào tre quây xung quanh,thế nào cũng phải có một cái chòi nhỏ nơi góc ruộng,lợp lá chuối lá dừa,hay bằng mảnh cót,nong nia cũ.Khi thửa ruộng rau xanh(đất 5%-người nông dân được sử dụng để canh tác ngoài phần ruộng đất đã đưa vào HTX)của nhà mình ở sát nhà bị đổi để lấy đất xây cửa hàng HTX mua bán,Thầy trồng dưa ở mảnh ruộng cao sát vườn nhà dì Được.chòi coi dưa khi đó là cả thế giới tuổi thơ thần tiên của riêng mình.Này nhé:nằm trên chiếc chõng tre,ngắm bầu trời mùa hè cao vòi vọi,mây trắng trôi bồng bềnh,nắng rọi lốm đốm xuống người,gió nồm nam mát rượi.Bờ rào phía vườn dì Được có bao nhiêu loại cây :cây duối có lá ram ráp-lau bóng đèn dầu rất sạch;kim ngân hoa trắng xinh xắn,thơm dịu dàng;cây vò vẽ có lá thơm cay cay;cây sòi có vỏ cây chữa đau răng ;cây lá đỏ-mình gọi thế vì lúc nào trên cây cũng có lá non mơn mởn màu đỏ rất đẹp ...Đi coi dưa ,mình có thời gian đọc sách,học bài(ngày xưa trẻ con bị học ít hơn bây giờ),nghe tiếng sáo diều,nhớ câu thơ của Tố Hữu"Gì sâu bằng những trưa thương nhớ-Hiu quạnh bên trong một tiếng hò.".Ruộng dưa nhà anh em Trí-Liêm-Liễm ngay sát ruộng nhà mình,nhưng chòi coi dưa lại ở phía cuối ruộng nên mỗi khi nói chuyện phải nói to mới nghe thấy.Thỉnh thoảng ,người coi dưa cũng ăn trộm dưa của nhà mình để ăn cho đỡ thèm.nhưng phải đợi đến lúc đông người mới dám ra tay ,vì phải đông mới ăn hết quả dưa,cùng chung trách nhiệm nếu bị người lớn phát hiện.Nhiệm vụ ăn trộm thường do Thôngcào và Trí thực hiện,theo cách luân phiên,nay của nhà mình,hôm khác của nhà Trí.Nhưng cũng không dám ăn nhiều lần,không dám vặt quả to,vì thế,thường ăn phải dưa trắng ,nhạt như ăn bầu bí.Hình như có một lần,cả bọn đi đếm dưa (để biết có mất trộm hay ko)làm vỡ qủa to nhất,hò nhau ăn cho hết,nên được quả ngọt,lại bị ăn cố,nên mất cả ngon.
Coi dưa vào buổi tối là việc của người lớn.nếu bọn trẻ con coi là biết ngay ,vì chúng hò hát inh ỏi-đánh tiếng cho kẻ trộm biết:có người đấy .Có một năm,buổi sáng thức dậy,thấy ruộng nhà mình bị trộm mang bao vào vặt cả quả non,quả già,làm đứt dây ,Thầy Bu lại cặm cụi vun trồng cho đám dây còn sót lại ,hi vọng vàolứa quả chánh (quả đợt đầu:dưa gốc;lượt sau-từ nhánh dây phát triển sau;dưa chánh)
Đọc truyện "Cố hương" của cụ Lỗ Tấn ,thích vì nhiều lẽ,trong đó có cảnh Nhuận Thổ thời ấu thơ đi coi dưa ở bãi biển ,chỉ là đuổi con tra vào phá dưa,vì;người đi đường khát nước,vặt một quả dưa ,ko bị coi là ăn trộm.
Một đêm hè năm 1975,đi coi dưa,nhìn về phía chân trời phía Tây rực rỡ ánh sáng,lòng tràn ngập một niềm hi vọng vào cuộc sống tươi đẹp.Đó cũng là năm cuối cùng đi coi dưa.

Thứ Năm, 24 tháng 9, 2009

Đi xem phim

Ngày còn nhỏ ,mỗi khi ở làng hay làng bên cạnh có chiếu phim (miền Nam gọi là chớp bóng,quê mình còn gọi là phin ) thế nào cũng phải thu xếp đi xem cho bằng được.Chiều vàng mặt trời,các việc như:quétnhà,quét sân-ngõ-lối đi ra đằng sau-lối ra giếng nước,rút rơm,múc nước lên bể chứa,thái rau lợn...đã được làm gọn gàng xong xuôi .(Nếu vào ngày mùa thì bận hơn nhiều:đánh đống rơm,xúc thóc,rê thóc,rửa khoai-để thái phơi khô...).Đội chiếu bóng lưu động thường nghỉ chân tại nhà mình,nên mình và anh Thông (Cào) thường cố giấu vẻ hãnh diện với bạn bè khi vào cổng không mất vé,hoặc được cho vé (sau này Thầy ko cho đi như thế,vì:nhà nước mất tiền với chúng mày).Nếu là đội chiếu phim của Quân đội(gọi tắt là phim Quân Đội) thì thôi rồi ,phim ko mất tiền,nhưng mình lại được các chú cho ngồi ở buồng chiếu phim,nơi có thể nhìn thấy hình ảnh rõ nhất,luôn có cảm giác vài cặp mắt ghen tị của bọn trẻ tầm tám chín tuổi như mình đang nhìn mình,ao ước được ở đó.Đấy là xem phim ở làng,nơi chiếu phim thường ở sân kho hợp tác,sân nhà văn hóa hoặc trận địa tên lửa nơi cuối làng.Thường chiếu hai bộ phim:phim tài liệu được chiếu trước -cho các ông bà già và trẻ con xem ,vì thanh niên-phần lớn là con gái,con trai đã ra chiến trường -còn mải ngắm vuốt ,hẹn hò (làng nào có bộ đội đóng quân thì còn may cho các cô gái làng,còn có người để ý !)Phim chính thường là "Phim truyện chiến đấu của Liên Xô " Đôi khi có cả phim hoạt hình ,đấy mới thực sự là niềm mong ước của bọn trẻ con tụi mình.Đội chiếu phim nhân dân chỉ có một máy chiếu nên hết một cuốn lại dừng để quay lại tập tiếp theo,rồi mới tiếp tục,nên hết một cuốn là giải lao. Còn các chú bộ đội có hai máy chiếu nên bộ phim được xem liên tục cho đến lúc:hết phim,mời các đồng chí và đồng bào về nghỉ .Chỉ còn nhớ mấy bộ phim được xem ngày ấy :Những kẻ báo thù không bao giờ bị bắt -Liên Xô;Những người Côdắc đá bóng-hoạt hìnhLX ;Hoa diếp dại-Triều Tiên;Nổi gió,Vĩ tuyến 17-Vn...Phim xem ở làng còn thích ở chỗ ko sợ bị đánh sau khi hết phim,vì đi xem ở làng bên,thể nào bọn con trai cũng bị gây sự,nên luôn phải về sớm,hoặc bám sát người lớn cùng về.
Nhớ nhất hai chuyện về xem phim.
Chuyện thứ nhất :Làng Đối (Xuân La)có phim Quân đội.Trí ,Thông,Liêm,Liễm và mình mải miết thu dọn rơm thóc,nhà cửa để đi xem.Cuối thu,đầu đông,trời se lạnh.Đi tắt qua đầu núi,nép vào nhau khi qua ngôi chùa hoang phế,có hai cây quéo cổ thụ...nơi nổi tiếng nhiều ma.Đến nơi,trời mới tắt nắng.Sẵn rơm mùa ,mọi người chọn chỗ ngồi thoải
mái để xem .Phim "Cô gái KI-ÉP "của LX.Mới vài tập,một máy hỏng,thế là giải lao liên tục.Trí và Thông nằm lăn ra sân để ngủ.Thông còn dặn với:đến chỗ hay gọi anh dậy nhé. Thỉnh thoảng mình gọi:đến chỗ hay rồi.Cào ta nghển cổ lên rồi lại nằm xuống:chưa hay.Hết hai tập phim,trăng đã xuống ngang rặng tre bờ chùa.Cả bọn ra về,ko một lời bàn tán về bộ phim.Mình nhớ đến giờ hình ảnh cô gái mặc áo liền váy ,đứng bên ngôi nhà đổ.Phim đen trắng.Ngoài ra ko nhớ phim như thế nào.Nhưng lại ấn tượng mãi cảnh anh em chú cháu đi trong trăng mờ,mong sao chóng về đến nhà.
Chuyện thứ hai:Chị Chuyện yêu anh Khoát,nhưng hai bác Trại ngăn cản.Trên huyện có phim,chị rủ Luyện-em con chú đi cùng.vì có như thế,hai bác mới cho đi.Luyện ta phấn khởi,đi liền.Đến cửa Bách hóa tổng hợp,anh Khoát đã đợi,thế là anh chị ngồi nói chuyện tâm tình,mặc cho Luyện nóng ruột.Thỉnh thoảng,chị lại hẹn với Luyện:tí nữa vào xem.Luyện ngủ gật ,choàng tỉnh dậy khi tiếng loa oang oang:Hết phim,mời đồng bào về nghỉ.(chuyện này tôi nghe Luyện kể lại.Không thấy nói chị Chuyện có đền cho Luyện cái gì ko.Anh chị ko lấy được nhau.Phí sự đóng góp của Luyện.)

Thứ Hai, 21 tháng 9, 2009

Nhớ Mai Ly

Trong số học trò cũ,đây là một trong những em mình có ấn tượng nhất .Một gương mặt có nụ cười tươi sáng ,hiền hậu .Một tính cách mạnh mẽ,luôn vì mọi người.Một cuộc đời ngắn ngủi,nhưng cũng đủ để những ai may mắn được gặp em,cảm thấy tin yêu thêm cuộc đời.là lớp trưởng,ML có uy tín với tất cả các bạn,bởi học giỏi,bởi luôn nhận phần khó khăn về mình trong công việc chung ,bởi sự giản dị ...Em tham gia chương trình phát thanh Măng Non của Đài PTTHHP,là một trong những giọng đọc được ưa thích .Cuối năm học lớp 9 ,em phát bệnh -ung thư gan giai đoạn cuối .Mẹ em giấu nỗi đau ,đưa em đi du lịch dọc chiều dài đất nước ,đó là cả một sự cố gắng của mẹ em và cả gia đình để em có niềm vui trong những ngày còn lại.Em hy vọng vào tiến bộ của Y học,mong muốn được sống thêm 10 năm ,để hoàn thành việc học tập được đi làm vài năm...Em tham gia vào việc chữa bệnh với tất cả cố gắng,luôn vui vẻ ,trò chuyện với bác sĩ ,với người thân ,thậm chí còn động viên lại họ.Sau mỗi đợt xạ trị,em lại đến trường,ko muốn bỏ lỡ một buổi học nào-những ngày đầu của năm học lớp 10 .Còn 10 ngày là đến Tết Giáp Thân-2004 ,chương trình MN muốn làm một phóng sự về em để phát vào dịp đón xuân-như một món quà tặng em ,em vui vẻ tham gia.Tôi xuất hiện bên em với tư cách cô giáo cũ.Lúc đó khối u gan đã phát triển rất lớn,em đã rất mệt.Nhưng ML vẫn bảo tôi: cô đừng lo cho em,em đang khỏe dần .Em nhắc tôi động viên Đạt-bạn cùng lớp cũ của em ,vì:bạn ấy định bỏ học cô ạ.ML xuất hiện trong chương trình rất tươi tắn,hào hứng,chỉ có ai quan sát kĩ mới thấy vòng bụng của em lớn bất thường.Hai ngày sau đó,em hôn mê,một ngày sau nữa,em ra đi.Biết mình trở bệnh,em lặng lẽ rời giường của bố mẹ-họ luôn cạnh em-lên gác ,nằm cùng chị gái ,một mình vật lộn với cơn đau,bàn tay em xoắn vặn chăn màn.Em thường nói với tôi,thương bố mẹ quá vất vả vì mình,nên tôi hiểu,em muốn bố mẹ ko phải chứng kiến thêm nỗi đau đớn của em .Tôi và các bạn học cũ của em đến,lặng lẽ ,tôi cầm tay em.một giọt nước mắttừ khóe mắt em lăn xuống,vàitiếng sau đó,em đi vào giấc ngủ dài-khi chỉ còn 7 ngày nữa là sang Xuân.Tôi đã viết "Nhớ Mai Ly ",bài thơ sau đó đã được đưa vào P/S về em -được phát vào dịp 49 ngày của ML,hơn một tháng sau TẾT.Đó là một chương trình xúc động vì sự chân thực,vì hình ảnh đẹp đẽ của em trong cuộc đời.
Thôi em về miền mây trắng.
Bay trên đôi cánh thiên thần.
Mười bảy tuổi đời trong trắng,
Đã thành tia nắng mùa xuân.

Em đã về miền cỏ biếc.
Đất trời ru giấc bình yên.
Chỉ nhớ thương còn ở lại .
Biết đến bao giờ nguôi quên.

Chủ Nhật, 20 tháng 9, 2009

Đi thăm Phượng Thư

Chiều qua,bà nội,bác Thành,bác Nghĩa,chị Hằng,Hà đi Hà Nội thăm PT.Đi xe Hải Âu ,gặp chiếc xe mới,chạy êm,đúng giờ nên chị Hà ko bị say.Đi xe buýt số 34 ,xe rộng,có chỗ ngồi,lại có chương trình ca nhạc của VOVgiao thông nên mấy dì cháu,bà cháu phấn khởi tưng bừng.Ô,thế mà thiên hạ cứ rền rĩ về xe buýt là thế nào ? Cả nhà PT tíu tít đón đoàn khách cấp cao ,lên tận Thủ đô thăm bé yêu ,lại chả quan trọng !Cơm nước xong ,đã 21 giờ,chú Khanh vẫn cho hai chị Hằng,Hà ra sân Mỹ Đình,cho biết thế nào là SVĐquốc gia .Nhưng có lẽ tại hai chị quen với sống ở nơi thoáng đãng,đầy khí trời trong lành nên chú K ko nỡ để hai chị chịu cảnh ngột ngạt của HN,dù nhà PT cũng rộng rãi.Chị Hà đem đến cho PT con thú bông đẹp nhất của chị,biết bé thích ăn dưa dấu,hai chị đem dưa từ Phòng lên cho em,lại bao nhiêu quần áo bác Hảo mua cho bé .<Úi chà,lại nhớ lần trước,dịp 2-9,ông Quân bà Thủy,các cô Nhung,P.Anh ,chú Minh cũng lên chơi với bé,bà Thủy còn chịu khó ôm cái ghế bô cho cháu nữa kia.>Đến đêm,PT bị sốt.Nên sáng nay bà nội với hai chị chỉ quanh quẩn với bé.Chị Hà gấp quần áo cho em,Chị Hằng giúp mẹ PT nấu cơm,rồi giặt cho PT bao nhiêu quần áo,khăn...Đến 16.30" mọi người về Phòng.Và đã biết thế nào là xe buýt HN.Nó kêu cót...két,cót...két...Nó lèn chặt người.Nó nóng như hun...chị Hà đứng mãi,mệt lả người.và ko còn ca nhạc theo yêu cầu.Đã thế,lúc ngồi trên xe Hải Âu,chị Hằng ngủ gật,xe phanh gấp,chị từ hàng ghế cuối cùng lao vụt xuống sàn xe,hét ầm lên,làm mọi người tỉnh ngủ .nhìn chung,về đến nhà là mọi người mệt phờ.Rất may là ông nộiPT đã nhờ bà Dịu vào nấu cơm,nên đã có cơm ăn.Và bây giờ bà lại nhớ PT,mong PT chóng khỏe.

Thứ Năm, 17 tháng 9, 2009

Chị Nhỡ

Có những người mà nỗi khổ đeo bám cả cuộc đời.Tưởng như không thể khổ hơn được nữa.Chị Nhỡ là hình ảnh cụ thể nhất mà mình ko bao giờ quên,càng thấm thía điều được gọi là số phận con người.theo về họ hàng,mình còn là dì,chị Nhỡ là cháu.nhưng vì chị nhiều tuổi ,nên anh em mình cứ gọi chị xưng em .Nhà chị có ba chị em.Bố mất sớm,người em trai duy nhất ra chiến trường ,hi sinh năm 1967.Em gái lấy chồng làng bên.Chị lỡ một chuyến đò,đưa đứa con gái tên Nhờ về ở cùng mẹ.Chị làm công nhân ở công trường xây dựng ,có thêm đứa con gái .Làm lụng ko ngơi nghỉ , người phụ nữ ấy không biết đến ốm đau,hay là không cho mình cái quyền được nghỉ ngơi ?chị thường giúp mẹ tôi dọn vườn, làm ruộng .Lặng lẽ,cần cù,người đàn bà ko nhan sắc ấy như một cái bóng thui thủi nơi góc làng.Rời công trường,chị về làm xã viên HTX nông nghiệp,sinh tiếp hai đứa con trai .Nhờ trời ,hai đứa trẻ khỏe mạnh ngoan ngõan.Dân làng cũng ko xì xèo bàn tán về việc chị sinh con,mà chỉ ái ngại cho cuộc sống khốn khó của chị. Bọn trẻ lớn dần,đỡ cho chị công việc đồng áng.Và rồi,ngườiđàn bà là vợ của người làm bố hai con trai chị tìm đến nhà.họ ôm nhau khóc.Xóm giềng mừng cho chị đã có nơi nương tựa.Nhưng không lâu sau đó một buổi sớm,chị lội xuống kênh lấy rau lợn,bị cảm,qua đờiĐám tang của chị ko một nhành hoa đưa tiễn.Đứa con gái đầu lấy chồng làng bên,cũng khổ ko kém mẹ,bỏ đi Trung quốc.Đứa con gái thứ hai lấy phải người vũ phu,bị đòn như cơm bữa,cũng trở nên góa bụa sau khi ngươi chồng bị tai nạn.Mẹ chị mất sau chị nhiều năm,bà trở nên lẩn thẩn từ sau khi nhận tin con trai hi sinh.Hai đứa con trai nay đã trưởng thành,được thừa hưởng từ mẹ sức khỏe và sự cần cù lao động,được sống trong thời kì đổi mới nên ko phải đói nghèo triền miên như mẹ chúng.
Nhiều năm rồi,tôi cứ khắc khoải :giá mà mình kịp nghĩ ra,mua cho chi Nhỡ một vòng hoa,để đám tang chị đỡ tủi.
đ

Sếp cũ

Sếp cũ của mình là một người có ý chí phấn đấu trong cuộc sống thật đáng khâm phục.Mồ côi cha,mẹ tái giá,ở với bác,vươn lên bằng con đường học hành,sếp là hình ảnh của vượt khó.Trong 7 năm làm việc dưới quyền sếp,mình thấy sếp cũng có cuộc sống như bọn mình.sếp ko quí,cũng ko ghét gì mình,đôi khi còn bỏ qua cho tật xấu kinh niên của mình là muộn giờ,có thể là vì mình làm việc (tương đối)có trách nhiệm.(Không hiểu sao ,bao giờ ngày tổng kết cuối năm,mình và Hiển cũng có mặt sớm nhất.?Có khi hoãn mà bọn mình cũng ko biết.?)Gần 20 năm qua,khi hỏi thăm về sếp,một tin vui là sếp thăng tiến,còn lại là những điều ko hay.Người đời có vì ghen ăn tức ở mà thêm thắt buộc cho sếp những điều tai tiếng ?Hay sếp cũng ko tránh khỏi cái vòng xoáy ghê gớm của danh lợi,mà ai bị hút vào cũng phải để văng đi ít nhiều nhân phẩm của mình ?Còn nhớ,có lần mình bị nhắc nhở một việc gì đó (lâu ngày nên quên),có vẻ bị hơi oan một tí,mình định gặp sếp để khiếu nại.Phòng sếp khép hờ,mình gõ cửa,sếp mở cửa mời vào.Mắt sếp đỏ hoe,lần đầu tiên thấy sếp như vậy,có hơi bất ngờ,bởi sếp có tiếng là lạnh lùng.Trên bàn,có tờ báo Phụ nữ VN ,đập vào mắt mình là bài thơ "Nhà không có bố"của tác giả Nguyễn thị Mai,bài thơ mình nhớ đến giờ,có những câu:không có bố,ko thì giờ -Bữa cơm chẳng đợi chẳng chờ chẳng mâm.Ngày đông gió bấc mưa dầm -Dậy che mái dột âm thầm mẹ con...
Mong sao những điều ko hay vê sếp đã bị thiên hạ thổi phồng ,chỉ có một mảylà sự thật.

Thứ Tư, 16 tháng 9, 2009

Chẳng có ai tẻ nhạt ở trên đời.

Đây la câu thơ của Eptusenkô mà mình yêu thich.Mình luôn tìm thấy ở những người xung quanh những điều đáng trân trọng.Thật lạ cho những người chỉ thích chỉ trích người khác.Một lần đứng giữa núi rừng Thanh Sơn-PT,nghe cậu bé người Mường kể chuyện,hình dung cuộc sống của những đồng nghiệp nơi đây,sự vất vả,hi sinh của họ,tình mến yêu của đồng bào với họ...mình thấy bạn không còn "lẩn thẩn"nữa. Đồng nghiêp ơi,tôi yêu ban !

Nhớ đồng quê

Nhớ đồng quê
Thương nhớ đồng quê,nhớ ngày xưa,
Con đường đi học dọc triền đê
Lúa ngậm đòng non dào dạt sữa,
Dưa trổ hoa vàng khoai xanh bờ.

Bạn nghèo, áo vá gầy mỏng mảnh.
Chiều ở đồng quê,sáng đến trường.
Giữa hai bài học lo khoai lúa.
Thương mẹ bạc đầu trong gió sương.

Rời chốn đồng quê ra thành phố.
Dễ quên gió lớn lúa bay màu.
Khi chê gạo nhạt, khoai chẳng ngọt,
Quên mất em mình da sạm nâu.

Ta và bè bạn còn phiêu bạt,
Vẫn còn lam lũ giữa phố phường.
Mà thấy đồng quê hun hút thế,
Trách chi bao kẻ tuyệt cố hương.

Thứ Hai, 14 tháng 9, 2009

Chao moi nguoi .Rat vui khi duoc chia se nhung cam xuc, suy nghi cua ca nhan tren mang.Xin gui loi chuc dieu tot dep den voi tat ca!